nhà xe

Nhà Hán là hoàng triều thứ hai trong lịch sử Trung Quốc, do thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân Lưu Bang thành lập và được cai trị bởi gia tộc họ Lưu. Tiếp nối nhà Tần (221 TCN – 206 TCN) tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi và thời kỳ Chiến tranh Hán – Sở vô quân chủ, nhà Hán bị gián đoạn giai đoạn ngắn khi nhiếp chính Vương Mãng tiếm quyền, lập nên nhà Tân (9 – 23). Nó tồn tại qua hai thời kỳ – Tây Hán (202 TCN – 9) và Đông Hán (25 – 220) – trước khi thời kỳ Tam Quốc mở ra. Trải dài hơn bốn thế kỷ, nhà Hán được coi là triều đại hoàng kim trong lịch sử Trung Quốc, ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản sắc nền văn minh Trung Hoa cho tới mãi về sau. Ngày nay, nhóm dân tộc đa số ở Trung Quốc tự gọi mình là "Hán nhân", tiếng Trung được gọi là "Hán ngữ" và chữ viết Trung Quốc được gọi là "Hán tự".Hoàng đế là người có địa vị cao nhất trong hệ thống thứ bậc xã hội nhà Hán. Ông nắm quyền tối cao trong bộ máy chính quyền nhà Hán, chia sẻ quyền lực với giới quý tộc và các đại thần phần lớn xuất thân từ tầng lớp học giả thân sĩ. Với việc kế thừa có cải cách đơn vị hành chính cấp quận từ nhà Tần và xác lập một số vương quốc bán tự trị, Đế quốc Hán được phân chia thành nhiều khu vực do chính quyền trung ương trực tiếp kiểm soát. Theo thời gian, các vương quốc bán tự trị dần mất đi hoàn toàn tính độc lập, đặc biệt là sau Loạn bảy nước. Từ thời Hán Vũ Đế (trị. 141 TCN – 87 TCN) trở đi, triều đình Trung Quốc chính thức bảo trợ Nho giáo trong giáo dục và triều chính, tổng hợp hệ tư tưởng này với thuyết vũ trụ học của các học giả như Đổng Trọng Thư. Chính sách bảo trợ Nho giáo tiếp tục tồn tại mãi tới khi nhà Thanh (1636 – 1912) sụp đổ vào năm 1912.
Kinh tế nhà Hán thịnh vượng, chứng kiến sự phát triển đáng kể của nền kinh tế tiền tệ vốn đã được thiết lập từ thời nhà Chu (1122 TCN – 249 TCN). Tiền xu do chính quyền trung ương đúc, phát hành vào năm 119 TCN, vẫn là tiền xu tiêu chuẩn ở Trung Quốc cho đến thời nhà Đường (619 – 907). Thể chế chính trị nhà Hán có nhiều đổi mới. Để tài trợ cho các chiến dịch quân sự và hoạt động bình định các vùng biên cương mới chinh phục, chính quyền nhà Hán quốc hữu hóa công nghiệp muối và sắt tư nhân vào năm 117 TCN. Tuy nhiên, tới thời Đông Hán, chính sách độc quyền nhà nước này lại bị bãi bỏ. Khoa học và công nghệ thời nhà Hán có nhiều phát kiến đáng kể như quy trình làm giấy, bánh lái đuôi tàu thủy, việc sử dụng số âm trong toán học, bản đồ địa hình, hỗn thiên nghi chạy bằng thủy lực dùng cho thiên văn học và một loại địa chấn kế sử dụng con lắc ngược, có thể xác định được hướng chính của một trận động đất từ khoảng cách xa.
Năm 200 TCN, liên minh du mục thảo nguyên Hung Nô đánh bại nhà Hán, buộc nhà Hán phải phục tùng như một đối tác chiếu dưới trong vài thập kỷ, nhưng đồng thời vẫn tiếp tục tấn công quân sự biên cương nhà Hán. Hán Vũ Đế phát động một chuỗi chiến dịch quân sự chống lại Hung Nô. Chiến dịch thắng lợi cuối cùng đã giúp nhà Hán ép Hung Nô phải chấp nhận địa vị chư hầu triều cống. Nhờ chuỗi chiến dịch chinh phạt mà nhà Hán mở rộng chủ quyền và quyền kiểm soát Lòng chảo Tarim ở Trung Á, tách Hung Nô thành hai liên minh riêng biệt, thiết lập được một mạng lưới thương mại rộng khắp gọi là Con đường Tơ lụa, vươn tới tận thế giới Địa Trung Hải. Trong khi đó, biên cương phía bắc nhà Hán lại bị liên minh du mục Tiên Ti nhanh chóng lấn chiếm. Hán Vũ Đế mở mang bờ cõi về phía nam thành công, sáp nhập nước Nam Việt vào năm 111 TCN và nước Điền vào năm 109 TCN, thành lập hai quận Huyền Thố và Lạc Lãng trên Bán đảo Cao Ly vào năm 108 TCN. Sau năm 92, hoạn quan trong cung can dự triều chính ngày một nhiều, tham gia những cuộc tranh giành quyền lực tàn khốc giữa các nhóm ngoại thích khác nhau, góp phần khiến nhà Hán diệt vong. Một số giáo phái Đạo giáo quy mô lớn thách thức hoàng quyền, kích động Khởi nghĩa Khăn vàng và Khởi nghĩa Ngũ đấu mễ đạo. Sau cái chết của Hán Linh Đế (trị. 168 – 189), sĩ quan quân đội tàn sát hoạn quan trong cung, cho phép giới quý tộc và các thế lực quân sự địa phương chuyển mình thành các lãnh chúa xé toạc đế quốc làm nhiều mảnh. Khi Ngụy vương Tào Phi cướp ngôi Hán Hiến Đế, nhà Hán chính thức không còn tồn tại.

View More On Wikipedia.org
Top Bottom